Trong Đế quốc Nga Cossack

Đám cưới Cossack. Tranh của Józef Brandt.

Người Cossack phục vụ trong vai trò của những người lính biên phòng và những người bảo vệ các thị trấn, pháo đài, khu dân cư và các trạm thương mại, thực hiện các chức năng chính trị trên biên giới và trở thành một bộ phận cấu thành của quân đội Nga. Vào thế kỷ 16, để bảo vệ các vùng đất biên cương trước các cuộc xâm chiếm của người Tatar, những người Cossack đã thực hiện các nhiệm vụ canh gác và tuần tra, theo dõi những người Tatar Krym và những người du cư của bộ lạc Nogai trong khu vực thảo nguyên.

Trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763), Đế quốc Nga liên minh với Đế quốc Áo, Pháp, Thụy Điển, Sachsen, v.v... chống lại Vương quốc Phổ.[11] Tham chiến trên lãnh thổ Phổ, người Cossack thường tàn phá ác liệt.[12] Vào năm 1758, người Cossack có tham chiến trận Zorndorf với Quân đội Nga đánh quân Phổ do Quốc vương Friedrich II Đại Đế thân chinh thống lĩnh, với chiến thắng của quân Phổ.[13][14] Vào năm 1759, trong trận đánh khốc liệt tại Kunersdorf, người Cossack Nga bắt hụt vua Friedrich II Đại Đế.[15] Khi ông tỏ ra tuyệt vọng vì sắp bị bắt sống, Đại tá Prittwitz - hết mình trung thành vì vua - chỉ huy một toán Kỵ binh nhẹ Phổ tấn công quyết liệt, chặn đứng người Cossack, đuổi họ ra chỗ khác, trong khi nhà vua nước Phổ tháo chạy.[16] Quốc vương Friedrich II Đại Đế hồi phục lại sau trận thảm bại tại Kunersdorf, và Quân đội Nga không truy kích ông.[17][18] Sau khi ông giành chiến thắng huy hoàng trong trận Liegnitz (1760), Quân đội Nga rút khỏi tỉnh Silesia mà cùng quân Áo tiến về vây hãm kinh thành Berlin.[19] Người Cossack có tham chiến trong cuộc vây hãm này. Tuy nhiên, liên quân Nga - Áo - Cossack - Sachsen nhanh chóng rút quân khi Quốc vương Friedrich II Đại Đế kéo quân về cứu kinh đô[20]. Ngay sau đó, quân Phổ giành chiến thắng trong trận đánh khốc liệt tại Torgau (1760), và với chiến thắng này kinh đô Berlin không bao giờ bị vây hãm nữa.[21]

Quốc vương Friedrich II Đại Đế bị người Cossack bắt hụt trong trận đánh tại Kunersdorf (1759).

Nga hoàng Pyotr III lên ngôi vua vào năm 1762 và chấm dứt chiến tranh chống Phổ, lại còn gửi quân Nga đến tiếp viện cho quân Phổ.[22] Những người Cossack hung bạo giờ đây nằm dưới sự thống lĩnh của Quân đội Phổ.[12] Không lâu sau đó, Hoàng hậu Ekaterina tiến hành đảo chính, lên làm Nữ hoàng Ekaterina II Đại Đế, cho rút quân Nga về nước nhưng vẫn không tái chiến với nước Phổ nữa.[23][24] Liên minh chống Phổ sụp đổ hoàn toàn.[25] Tất cả các nước tham chiến cũng đều kiệt quệ.[26] Trước sự tàn phá ác liệt của người Cossack và các đồng minh của họ trên chính quốc Phổ (chẳng hạn như ở tỉnh Pomerania), vua Friedrich II Đại Đế phải tiến hành tái thiết đất nước sau bảy năm chinh chiến, và gặt hái thành công.[27][28]

Dưới sự cai trị của người Nga, nhà nước Cossack của voisko Zaporozhia đã được phân chia thành hai nước cộng hòa bán tự trị của Đại công quốc Moskva: là Cossack Hetmanat và độc lập hơn là Zaporizhia. Tổ chức của người Cossack cũng đã được thiết lập trong thuộc địa của Nga Slobodskaya Ukraina. Các tổ chức này dần dần mất đi sự độc lập của họ và sau này đã bị Ekaterina II của Nga hủy bỏ vào cuối thế kỷ 18. Hetmanat trở thành thống đốc của Malorossiya (Tiểu Nga), Slobodskaya Ucraina (các tỉnh tỉnh KharkivZaporizhia) đã được nhập vào Novorossiya (Tân Nga). Năm 1775, voisko Zaporozhia đã bị giải tán và các thủ lĩnh cao cấp Cossack đã được ban tặng các tước hiệu quý tộc (dvoryanstvo). Phần lớn người Zaporozhia được tái định cư tại vùng thảo nguyên Kuban, là một vị trí hiểm yếu cho sự mở rộng của Nga về phía Kavkaz. Tuy nhiên, một số người Cossack đã bỏ chạy qua sông sông Danube (lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Đế quốc Ottoman) để thành lập ra các voisko mới trước khi tái kết hợp lại với những người Cossack khác ở Kuban.

Trong thời gian họ lưu lại đây, một voisko mới đã được thành lập và vào cuối năm 1778 đã có khoảng 12.000 người Cossack tại khu định cư của họ trên vùng biên giới với Nga được tiếp nhận với sự phê chuẩn của Đế quốc Ottoman sau khi những người Cossack này chính thức thề nguyện phục vụ sultan Ottoman. Tuy nhiên mâu thuẫn nội bộ của voisko mới này về lòng trung thành mới, cũng như các thủ đoạn chính trị mà đế chế Nga sử dụng đã phân chia những người Cossack này. Sau khi một phần những người Cossack ra đi đã quay lại Nga thì họ được quân đội Nga sử dụng để tạo ra các đơn vị quân sự mới với sự hợp nhất những người Albania gốc Hy Lạp và Tatar Krym.

Tuy nhiên, sau chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ năm 1787–1792, phần lớn người Cossack đã được hợp nhất vào voisko Cossack biển Đen và di chuyển tới các thảo nguyên Kuban. Những người Cossack còn sống tại đồng bằng châu thổ sông Donau cũng đã trở lại Nga năm 1828 và tạo thành voisko Cossack Azov giữa BerdyanskMariupol. Năm 1864, tất cả họ được tái định cư tại Bắc Kavkaz và hợp nhất thành voisko Cossack Kuban.

Người Cossack cuối thế kỷ 19

Người Cossack Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng của Đế quốc Nga tới Siberi (cụ thể là Ermak Timofeyevich), KavkazTrung Á trong giai đoạn từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 19. Người Cossack cũng thực hiện công việc dẫn đường cho phần lớn các đoàn thám hiểm Nga được các nhà địa lý, khảo sát địa chính, thương nhân và thám hiểm dân sự hay quân sự lập ra. Năm 1648, một người Cossack Nga là Simeon Dezhnev đã tìm ra lối đi giữa châu Mỹchâu Á. Các đơn vị Cossack đóng vai trò lớn trong nhiều cuộc chiến vào các thế kỷ 17-19 (chẳng hạn các cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳchiến tranh Nga-Ba Tư, sáp nhập Trung Á).

Trong cuộc xâm lược của Napoléon vào Nga, người Cossack đã là những người lính Nga mà binh lính Pháp e ngại nhất. Người Cossack cũng tham gia vào các cuộc chiến tranh du kích sâu bên trong các vùng lãnh thổ Nga bị người Pháp chiếm đóng, họ tấn công các tuyến đường giao thông liên lạc và tiếp tế. Các cuộc tấn công này, được những người Cossack cùng kỵ binh nhẹ Nga và các đơn vị khác phối hợp thực hiện, đã là một trong số các dạng phát triển đầu tiên của chiến thuật chiến tranh du kích và ở một mức độ nào đó, là một dạng hành quân đặc biệt như chúng ta biết tới ngày nay.

Những người châu Âu phương Tây có rất ít tiếp xúc với người Cossack trước khi quân đội Liên minh chiếm đóng Paris năm 1814. Như là đội quân kỳ cục nhất của quân đội Nga được nhìn thấy tại Pháp, người Cossack đã gây ra sự chú ý và sự khét tiếng lớn vì những hành động thái quá của họ trong chiến dịch năm 1812 của Napoléon Bonaparte tại Nga.

Từ ban đầu, quan hệ giữa người Cossack với người Moskva đã là rất đa dạng, có khi họ cùng tham gia vào các chiến dịch quân sự, nhưng vào thời điểm khác thì lại là các cuộc nổi dậy đáng kể của người Cossack. Một ví dụ cụ thể là sự tan rã của voisko Zaporozhia, diễn ra vào cuối thế kỷ 18. Sự chia rẽ của người Cossack khi đó là rõ nét giữa những người chọn lựa trung thành với đế quốc Nga và tiếp tục phục vụ (những người sau này chuyển tới Kuban) và những người chọn lựa tiếp tục cuộc sống kiểu lính đánh thuê và chạy tới vùng châu thổ sông Danub.

Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, Đế quốc Nga đã hoàn thành việc kiểm soát toàn bộ đối với các voisko và tặng thưởng cho người Cossack nhiều đặc quyền vì sự phụng sự của họ. Vào thời gian này, nhiều người Cossack đã tích cực tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh của Nga. Mặc dù chiến thuật kỵ binh trong các trận giáp lá cà của họ nói chung là thua kém so với các bộ phận chủ lực khác như hussar, nhưng người Cossack đã thực hiện tuyệt vời các công việc trinh sát và do thám, cũng như là các cuộc phục kích.

Trong những năm cuối của Đế quốc Nga

Một sotnia của cossacks chụp pin Áo

Vào cuối thế kỷ 19, các cộng đồng Cossack đã được hưởng đặc ân miễn thuế tại Đế quốc Nga, nếu cam kết sẽ có thời gian tham gia phục vụ quân sự là 20 năm (giảm xuống còn 18 năm kể từ năm 1909), trong đó chỉ cần 5 năm tại ngũ, phần còn lại của lời cam kết là dự bị quân sự. Vào đầu thế kỷ 20, người Cossack Nga đạt tới 4,5 triệu người và đã được tổ chức thành các voisko khu vực tách biệt, mỗi voisko bao gồm nhiều trung đoàn.

Cảm giác về người Cossack như là một cộng đồng tách biệt và cao quý đã tạo cho họ cảm giác mạnh về lòng trung thành đối với triều đình Sa hoàng và các đơn vị Cossack thường xuyên được sử dụng để dẹp các rối loạn trong nước, đặc biệt là trong thời kỳ nổi dậy rộng khắp của nông dân và công nhân thời kỳ 1905–1906. Chính quyền đế quốc phụ thuộc mạnh vào độ tin tưởng nhìn thấy được của người Cossack, mặc dù vào đầu thế kỷ 20 các cộng đồng tách biệt của họ và kiểu phục vụ quân sự bán phong kiến ngày càng bị nhìn nhận như là đã lỗi thời. Trong thuật ngữ nhà binh một cách chặt chẽ thì người Cossack không được các chỉ huy quân đội Nga đánh giá cao, những người này nhìn nhận họ như là đội quân ít kỷ luật, ít tập luyện và kỹ năng cưỡi ngựa thô thiển hơn so với kỵ binh hussar (dạng kỵ binh chỉ để ria, không để râu, mũ lông cừu cao, đi ủng), kỵ binh đánh bộkỵ binh đánh thương của kỵ binh thường trực ("The Cossacks" của Albert Seaton SBN 85045 116 7). Các phẩm chất của người Cossack như tính sáng tạo hay các kỹ năng cưỡi ngựa dữ không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng. Kết quả là các đơn vị Cossack hay bị chia nhỏ ra thành các chi đội nhỏ để sử dụng trong vai trò của lính trinh sát, lính thông tin hay các nhóm hộ tống đẹp mắt.

Khi diễn ra cách mạng tháng 2 năm 1917, người Cossack dường như chia sẻ sự vỡ mộng chung đối với sự lãnh đạo của Sa hoàng và các trung đoàn Cossack tại kinh đô Sankt-Peterburg đã gia nhập vào phía nổi dậy. Trong khi chỉ có một số ít đơn vị tham dự, nhưng sự đào ngũ của họ (cũng như của konvoi-đội kỵ binh hộ tống Sa hoàng) đã là một đòn tâm lý nặng đối với chính quyền của Nikolai II và làm tăng tốc quá trình thoái vị của ông ta.

Sau Cách mạng tháng Mười Nga

Trong cuộc nội chiến sau Cách mạng Nga, người Cossack đã tham gia vào cả hai bên của cuộc chiến. Một số sĩ quan và những binh lính Cossack có kinh nghiệm đã chiến đấu bên phía Bạch vệ, trong khi những binh lính nghèo hơn đã gia nhập Hồng quân, trong đó có cả các chỉ huy nổi tiếng như Semyon Budyonny. Sau thất bại của Bạch vệ, chính sách trừ bỏ kozak (Raskazachivaniye) đã được thực hiện đối với những người Cossack còn sống sót và các vùng đất của họ do họ bị nhìn nhận là mối đe dọa tiềm ẩn đối với chế độ mới. Điều này được thực hiện chủ yếu là phân chia lãnh thổ của họ thành các đơn vị hành chính khác nhau và giao nó lại cho các nước cộng hòa tự trị mới ra đời của người thiểu số, và sau đó tích cực khuyến khích việc định cư trên các lãnh thổ này bằng những dân tộc này. Điều này đặc biệt đúng với vùng đất của Cossack Terek. Các vùng đất của người Cossack thường là màu mỡ, và trong quá trình tập thể hóa thì nhiều người Cossack đã hứng chịu số phận của các kulak. Nạn mất mùa năm 1933 đã tác động vào vùng sông Đông và Kuban mạnh nhất. Theo Michael Kort, "Trong giai đoạn từ 1919 tới 1920, trong số khoảng 3 triệu người Cossack thì đã có khoảng 300.000 tới 500.000 người Cossack bị chết trong chiến tranh hoặc bị lưu đày"[29].

Tuy nhiên, năm 1936, dưới áp lực của các hậu duệ Cossack cũ như Semyon Budyonny, người ta đã quyết định đưa lại lực lượng Cossack vào trong Hồng quân. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Cossack một lần nữa lại chiến đấu trên cả hai bên chiến tuyến, do phần lớn những người cộng tác với Đức quốc xã là những người Cossack tị nạn đã từng theo Bạch vệ. Những người Cossack Hồng quân chiến đấu trên mặt trận phía nam, là khu vực mà thảo nguyên rộng lớn đã làm cho họ trở thành lý tưởng cho việc tiếp tế và tuần tra mặt trận. Một phân đội Cossack đã tham gia lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ vào năm 1945.

Một nhóm Cossack đáng chú ý là những người đã chiến đấu cho người Đức trong Wehrmachtquân đoàn kỵ binh Cossack XV dưới sự chỉ huy của tướng Đức Helmuth von Pannwitz trong trận đánh chống lại các du kíchNam Tư. Họ đã đầu hàng quân đội Anh tại Áo năm 1945, với hy vọng sẽ được gia nhập vào phe người Anh để chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, khi đó có rất ít sự thông cảm cho nhóm đã bị coi là những người cộng tác với Đức quốc xã và những người bị thông báo là đã có những hành động tàn bạo chống lại các lực lượng kháng cự Đức quốc xã ở Đông Âu. Họ đã bị người Anh trao cho phía Liên Xô trong chiến dịch Keelhaul, để bị xử bắn hay bỏ tù. Vào cuối cuộc chiến, các chỉ huy của liên quân Anh-Mỹ đã "cho hồi hương" trên 150.000 người Cossack, bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em về Liên Xô. Nhiều người trong số họ chưa bao giờ là công dân Xô viết. Sự kiện này được biết đến như là "Sự phản bội đối với người Cossack" hay "Sự phản bội bí mật".

Sau chiến tranh, các đơn vị Cossack, cùng với kỵ binh nói chung, đã bị coi là lỗi thời và được cho giải ngũ khỏi Hồng quân Xô viết. Trong những năm sau chiến tranh, nhiều con em Cossack đã nghĩ họ chỉ là những người nông dân bình thường, và những người sống bên trong các nước cộng hòa tự trị thường thua thiệt trước các bộ lạc thiểu số và di cư tới nơi khác (chủ yếu là tới khu vực Baltic).

Trong quá trình perestroika của Liên Xô cuối thập niên 1980, nhiều người kế nghiệp của những người Cossack đã trở thành những người nhiệt tình trong việc hồi sinh các truyền thống dân tộc của họ. Năm 1988, chính quyền Xô viết đã thông qua một sắc luật cho phép sự thành lập lại của các voisko cũ và tạo ra các voisko mới. Ataman của voisko lớn nhất, voisko sông Đông hùng mạnh nhất, đã được ban cho cấp bậc Nguyên soái và quyền thành lập các voisko mới. Người Cossack đã tích cực tham gia vào nhiều cuộc xung đột diễn ra sau đó: Transdniestr, Abkhazia, Nam Ossetia, KosovoChechnya. Trong khi ảnh hưởng của họ đối với kết quả của các vụ xung đột ít gây được sự chú ý của giới phương tiện truyền thông, nhưng người Cossack một lần nữa lại được biết đến vì tinh thần và lòng dũng cảm cao của họ.

Cùng thời gian này nhiều cố gắng đã được thực hiện nhằm gây ảnh hưởng của người Cossack đối với xã hội Nga và trong suốt thập niên 1990 nhiều tổ chức chính quyền khu vực đã đồng ý giao một vài công việc chính trị và chính quyền địa phương cho người Cossack. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 2005, tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình dự luật "Về việc phục vụ quốc gia của người Cossack Nga" (O gosudarstvennoy sluzhbe rossiyskogo kazachestva) tới Duma quốc gia, đã được thông qua sau lần đọc đầu tiên ngày 18 tháng 5 năm 2005. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, người Cossack đã được công nhận không chỉ là một thực thể văn hóa dân tộc học khác biệt mà còn là một sự phục vụ quân sự tiềm năng. Mặc dù tham vọng đầy đủ của họ nhằm quản lý toàn bộ lãnh thổ kéo dài từ Transdniester tới khu vực thảo nguyên dọc theo sông Ural có thể còn là xa xôi, nhưng dự luật đã là một bước tiến đáng kể để đạt được điều đó.